Tại Sao Phải Thay Lại Khớp Háng Nhân Tạo ?

    Ngày nay, phẫu thuật thay khớp háng đã trở nên phổ biến nhờ hiệu quả điều trị đối với các tổn thương hỏng khớp háng do bệnh lý hoặc chấn thương. Về cơ bản, tỷ lệ thành công khá cao và phần lớn các bệnh nhân hài lòng với kết quả gần sau mổ. Tuy nhiên, có một vấn đề mà cả bác sỹ cũng như bệnh nhân băn khoăn e ngại là tuổi thọ của khớp nhân tạo. Với số lượng ca phẫu thuật ngày càng tăng đồng thời tuổi thọ con người ngày càng cao làm cho nguy cơ này ngày càng trở thành hiện thực. Bài viết này giới thiệu những nội dung căn bản liên quan đến phẫu thuật thay lại khớp háng.

    Khi khớp háng nhân tạo bắt đầu gây phiền toái cho bệnh nhân, thì lúc đó có thể phải cân nhắc đến việc thay lại khớp nhân tạo. Các nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến việc phải thay lại khớp nhân tạo là:

    –         Khớp nhân tạo bị lỏng
    –         Nhiễm trùng khớp nhân tạo: Thường xảy ra sớm
    –         Gãy cấu trúc xương quanh khớp nhân tạo: có thể do chấn thương hoặc do loãng xương như gãy phần thân xương đùi hay xương chậu vùng quanh khớp nhân tạo
    –         Trật khớp nhân tạo thường xuyên
    –         Mòn khớp do quá trình sử dụng
    –         Gãy các thành phần của khớp nhân tạo

    Lỏng khớp nhân tạo:

    Lỏng khớp nhân tạo có thể do nhiều nguyên nhân nhưng tựu chung lại là khớp nhân tạo dần dần sẽ bị lỏng ra khỏi cấu trúc xương hỗ trợ xung quanh, dù khớp nhân tạo sử dụng xi măng hay không xi măng cũng vậy. Do đó, đối với một số trường hợp hỏng khớp háng do bệnh lý, bác sỹ thường có xu hướng muốn trì hoãn việc thay khớp nhân tạo khi tuổi bệnh nhân còn trẻ cho đến khi không thể trì hoãn được nữa.

    Nhiễm trùng khớp nhân tạo:

    Nhiễm trùng khớp nhân tạo có thể xảy ra sớm sau lần phẫu thuật, việc này có thể xảy ra và trong trường hợp đó. Phẫu thuật lại nhằm mục đích giải quyết tình trạng nhiễm trùng và khi nhiễm trùng ổn định thì có thể thay lại khớp nhân tạo mới cho bệnh nhân.

    Gãy xương quanh khớp nhân tạo:

    Có thể xảy ra và khi đó, việc thay lại khớp nhân tạo có thể cân nhắc trong 1 số trường hợp để khớp nhân tạo mới sẽ đóng vai trò cố định luôn xương gãy, thường gặp ở gãy xương đùi.

    Trật khớp nhân tạo:

    Khi khớp nhân tạo bị trật nhiều hơn 1 lần, có thể phải cân nhắc việc thay lại khớp để tránh việc trật lại

    Mòn khớp nhân tạo:

    Mặc dù vật liệu của khớp nhân tạo ngày càng được cải tiến, tuy nhiên việc mòn khớp là điều không thể tránh khỏi. Khi sự mòn khớp nhiều, ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh nhân thì có thể cân nhắc việc thay lại khớp nhân tạo.

    Gẫy các thành phần của khớp:

    Mặc dù ít gặp nhưng gãy các thành phần của khớp vẫn có thể xảy ra, trong trường hợp đó thì bắt buộc phải thay lại khớp nhân tạo.
    TS Trần Trung Dũng (From Japan)

    About the Author Trị Quản

    Popular posts