Thay Khớp Vai Đảo Ngược Và Bệnh Lý Chóp Xoay

    Những chỉ định thay khớp nhân tạo đa số khi khớp bị thoái hoá, hỏng về cấu trúc giải phẫu nhưng đối với khớp vai, chỉ định thay khớp cũng được cân nhắc khi cấu trúc giải phẫu khớp còn nguyên nhưng tổn thương cấu trúc phần mềm nặng trong bệnh lý của chóp xoay.

    Bệnh lý chóp xoay là vấn đề khá thường gặp ở người trung niên và cao tuổi. Tổn thương gân có nhiều mức độ, từ viêm, đụng dập, rách bán phần rồi rách hoàn toàn. Khi tổn thương gân rách, chỉ định mổ để tạo hình khoang dưới mỏm cùng vai, khâu phục hồi gân rách là cần thiết. Tuy nhiên, một số trường hợp đến muộn, gân rách lớn, co rút không thể phục hồi được. Một khớp vai có tổn thương gân chóp xoay vẫn có thể đảm đương được 1 phần chức năng. Một số bệnh nhân có thể biểu hiện yếu tay, đau thậm chí không thực hiện được các động tác, mức độ nặng có thể gọi là ” thể giả liệt” vì bệnh nhân không thể thực hiện được động tác. Một số bệnh nhân lựa chọn cuộc sống thích nghi với tình trạng đó mà không phẫu thuật. Tuy nhiên với những tiến bộ của y học, bệnh nhân có thêm lựa chọn điều trị nữa, đó là thay khớp vai đảo ngược.

    Hình ảnh cung vận động của động tác dạng vai từ 0 đến 180 độ
    (phần màu đỏ mô tả cung vận động do gân cơ chóp xoay chi phối). Nguồn: Internet

    Khớp vai nhân tạo kinh điển có thiết kế tương tự như cấu trúc khớp vai bình thường. Phần ổ chảo xương cánh tay được thiết kế để thay thế ổ chảo thông thường với cấu trúc dạng “đĩa” mỏng và nông, phần chỏm nhân tạo được thiết kế thay thế phần chỏm cầu của xương cánh tay. Cơ chế này tương tự như chuyển động của viên bi trên cái đĩa. Cấu trúc bao khớp và hệ thống gân chóp xoay giúp giữ cho viên bi chuyển động đều xung quanh 1 cách dễ dàng trên cái đĩa, không bị trật ra ngoài và luôn ở vị trí trung tâm. Khi chóp xoay bị tổn thương, viên bi sẽ không chuyển động đều nữa mà có xu hướng trượt trên đĩa do lực kéo của cơ delta do đó, khả năng nâng vai của bệnh nhân bị hạn chế và sự mài mòn tăng nhanh làm bệnh nhân sớm xuất hiện đau trở lại.
    Hình ảnh khớp vai kinh điển (bên trái) và khớp vai đảo ngược (bên phải). Nguồn: Internet
    Để giải quyết điều này, việc thay đổi cơ chế vận động cơ học của khớp vai nhân tạo cần phải được đặt ra và khớp vai nhân tạo sẽ hoạt động theo cơ chế khác thích nghi với tình trạng không có chóp xoay. Giải pháp là đảo ngược vai trò của 2 thành phần khớp nhân tạo vì vậy khớp vai nhân tạo kiểu này gọi là khớp vai đảo ngược. Phần ổ chảo sẽ có cấu trúc dạng chỏm cầu còn phần chỏm xương cánh tay sẽ được thay thế bởi cấu trúc dạng “đĩa” nhưng sâu và ôm khít lấy chỏm cầu. Thiết kế này giúp cho khớp nhân tạo vững hơn và có thể vận động nâng tay lên cao không cần có gân cơ chóp xoay. Việc làm vững khớp nhân tạo là do cấu trúc “đĩa” được làm sâu và ôm khít lấy cấu trúc chỏm cầu do đó làm cho chỏm cầu không trượt mà xoay khi thực hiện động tác nâng tay.

    Hình ảnh tâm xoay bình thường của khớp vai nhân tạo kinh điển (bên trái) và tâm xoay dịch chuyển vào trong của khớp vai nhân tạo đảo ngược (bên phải)
    Trong cung vận động nâng cánh tay, cơ delta tham gia từ 0 – 60 độ, từ 60 – 120 độ do các cơ chóp xoay đảm nhiệm, phần còn lại từ 120 – 180 độ do khớp bả vai lồng ngực đảm nhiệm. Nhờ phối hợp của 3 giai đoạn của cung chuyển động đó mà chỏm xương cánh tay hoặc chỏm khớp nhân tạo kinh điển sẽ xoay tròn trên ổ chảo khớp vai (hoặc ổ chảo nhân tạo). Khi tổn thương gân cơ chóp xoay, ở giai đoạn cung vận động do gân cơ chóp xoay đảm nhiệm, lực kéo của cơ delta sẽ kéo làm cho chỏm xương cánh tay hoặc chỏm nhân tạo kinh điển trượt lên theo chiều dọc trên “đĩa” ổ chảo, do đó cánh tay không thể nâng lên tiếp được và ổ chảo bị ma sát gây mài mòn. Với thiết kế của khớp vai đảo ngược, lực kéo của cơ delta làm cho phần xương cánh tay tiếp tục trượt theo chỏm cầu (phần ổ chảo đảo ngược) và do đó cánh tay tiếp tục được nâng lên, nhờ đó chức năng khớp vai được cải thiện hơn.
    Chỉ định phổ biến của thay khớp vai đảo ngược là tình trạng thoái hoá khớp vai kèm tổn thương gân cơ chóp xoay. Ngoài ra, thay khớp vai đảo ngược còn chỉ định cho các trường hợp tổn thương nặng chóp xoay dẫn đến tình trạng “giả liệt” mặc dù không có biểu hiện của thoái hoá khớp và những trường hợp gãy phức tạp chỏm xương cánh tay.
    Đối với các tổn thương chóp xoay nặng, có thể dẫn đến tình trạng “giả liệt”, nghĩa là mặc dù ko có tổn thương thần kinh (liệt thần kinh) nhưng do tổn thương gân cơ chóp xoay nặng nên bệnh nhân vẫn không thể thực hiện được động tác nânng vai. Với những trường hợp này, mặc dù khớp không có tổn thương thoái hoá nhưng vẫn có thể chỉ định thay khớp vai đảo ngược.
    Ở những bệnh nhân cao tuổi, có tổn thương nặng của chỏm xương cánh tay có thể sử dụng khớp vai đảo ngược cho hiệu quả tốt hơn so với truyền thống, nhất là trong những trường hợp phục hồi diện bám của chóp xoay khó khăn. Ngoài ra, khớp vai đảo ngược có thể sử dụng cho những trường hợp thay lại khớp vai.PGS. TS Trần Trung Dũng (tổng hợp)

    About the Author Trị Quản

    Popular posts