Đứt dây chằng chéo trước khớp gối, có thực sự cần thiết phải phẫu thuật?

    Đứt dây chằng chéo trước khớp gối

    Khi một bệnh nhân bị tổn thương đứt dây chằng chéo trước khớp gối, sự băn khoăn về việc mổ hay không mổ luôn thường trực. Một số bệnh nhân cảm thấy mức độ ảnh hưởng không nhiều nhưng lại lo lắng là nếu không can thiệp, liệu có vấn đề gì xảy ra hay không. Lựa chọn phương pháp điều trị hợp lý cho các tổn thương dây chằng chéo trước không dễ, sự cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố như: mức độ tổn thương dây chằng, các tổn thương phối hợp, nhu cầu vận động của bệnh nhân, tuổi, v..v… Trong đó, một số trường hợp gần như bắt buộc phải phẫu thuật còn một số trường hợp có thể không nhất thiết phải phẫu thuật, vẫn có thể đạt được kết quả như bệnh nhân mong muốn. Bài viết này xin trình bày sơ lược những trường hợp có thể không nhất thiết phải phẫu thuật.

    Dây chằng chéo trước có vai trò quan trọng trong sự làm vững khớp gối. Khi tổn thương dây chằng này thì sự vững chắc của khớp gối bị ảnh hưởng và do gối bị lỏng lẻo dẫn đến các hậu quả là:

    1. Giảm chức năng gối, đặc biệt trong các hoạt động đòi hỏi di chuyển nhanh, mạnh và đột ngột như chơi các môn thể thao cần di chuyển nhiều như: bóng đá, tennis, bóng chuyền,…

    2. Tổn thương thứ phát các thành phần khác của gối trong đó 2 thành phần dễ bị ảnh hưởng nhất là sụn chêm và sụn mặt khớp. Tổn thương sụn chêm thường gặp là rách sụn chêm dẫn đến biểu hiện đau, kẹt khớp và tràn dịch khớp. Tổn thương sụn khớp dẫn đến hư khớp hay còn gọi là thoái hóa khớp.

    Trong trường hợp tổn thương đứt dây chằng chéo trước hoàn toàn, phẫu thuật là sự lựa chọn cần thiết. Trong trường hợp vì lý do nào đó, bệnh nhân không muốn phẫu thuật hoặc không thể thực hiện được phẫu thuật thì việc thay đổi lối sống là việc cần làm nhằm tránh các tổn thương thứ phát do đứt dây chằng gây nên. Một số việc cần phải thực hiện như: giảm cân, từ bỏ các hoạt động đòi hỏi mức độ vận động của gối cao, đeo băng gối, …

    Trong trường hợp tổn thương đứt dây chằng chéo trước không hoàn toàn, việc phẫu thuật sẽ được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố. Nếu bệnh nhân nữ hoặc bệnh nhân không có nhu cầu vận động cao, mức độ lỏng gối không nhiều, không kèm theo các thương tổn khác như sụn chêm,.. thì có thể không cần thiết phải phẫu thuật. Tuy nhiên, ngay sau khi chấn thương, bệnh nhân cần được bất động gối bằng nẹp trong 3-4 tuần tùy theo thương tổn cụ thể và kết hợp với thuốc điều trị. Một số trường hợp bệnh nhân có nhu cầu vận động cao hoặc thương tổn đứt dây chằng chéo trước không hoàn toàn nhưng phần còn lại của dây chằng không đảm bảo chức năng( tiếng Anh gọi là deficient ACL) thì lựa chọn phẫu thuật là hợp lý.

    Nói tóm lại, nếu tổn thương đứt dây chằng không hoàn toàn, mức độ lỏng gối không nhiều, không kèm theo tổn thương khác của gối và nhu cầu vận động của bệnh nhân không cao thì có thể không cần phẫu thuật mà vẫn cho kết quả như mong muốn của bệnh nhân.

    TS Trần Trung Dũng( tổng hợp và lược dịch)

    About the Author dungbacsy

    Phó giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Trung Dũng Giảng viên đại học Y Hà Nội - Bác sỹ phẫu thuật chuyên khoa Cơ xương khớp Phó giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn Hà Nội (St Paul University Hospital) Email: dungbacsy@dungbacsy.com Website: www.dungbacsy.com

    Popular posts