Kỹ thuật mới điều trị tổn thương khớp gối

    Thành công của kỹ thuật sử dụng mảnh ghép đồng loại để tạo hình cho những bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo trước khớp gối (DCCT) đã mang đến cho người bệnh những kết quả tốt nhất có thể sau điều trị. Đây cũng là bước phát triển mới cần ghi nhận của các bác sĩ ngoại khoa Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện đại học Y Hà Nội.

    Trả lại sự vận động sau chấn thương bằng phương pháp mới: Phẫu thuật ghép mảnh ghép đồng loại dây chằng chéo khớp gối.

    Kỹ thuật mới điều trị tổn thương khớp gối: sử dụng gân đồng loại tạo hình dây chằng

    Sau một tai nạn, bà Nguyễn Thị Vinh, 41 tuổi ở xã Phương Sơn – Vân Côn – Hoài Đức – Hà Nội bị đứt dây chằng chéo trước khớp gối khiến bà khó có thể vận động được. Bệnh nhân Vinh được các bác sĩ chấn thương chỉnh hình quyết định phẫu thuật tạo hình lại DCCT bằng kỹ thuật mới nhất: dùng mảnh ghép đồng loại. Chỉ sau vài ngày điều trị, bà Vinh đã được xuất viện và dần trở lại sự vận động bình thường.

    Do DCCT có trương lực nên khi dây chằng này bị đứt, không có khả năng khâu nối vì hai đầu đứt di lệch xa nhau. Vì vậy, phẫu thuật để sửa chữa tổn thương này bắt buộc phải tạo hình dây chằng bằng vật liệu khác. Trước đây vật liệu tổng hợp và vật liệu tự thân là 2 nguồn chính để tạo hình cho người bệnh, tuy nhiên chúng có nhiều hạn chế. Khi dùng vật liệu tổng hợp dễ dẫn đến tình trạng viêm khớp và thoái hóa khớp, hiện nay người ta đang cải tiến tính tương hợp của vật liệu với cơ thể người để giảm bớt những biến chứng. Khi vật liệu tổng hợp không đáp ứng được yêu cầu, các vật liệu tự thân là những nguyên liệu chính để tạo hình dây chằng. Đó có thể là mảnh ghép gân bánh chè, mảnh ghép gân tứ đầu, mảnh ghép gân gót hay mảnh ghép gân cơ thon và gân cơ bán gân,… của chính bản thân bệnh nhân và có thể gây ra đau hay yếu phần gân bị lấy đi. Người ta cũng đang đề cập đến lấy gân của cá thể khác loài để thay thế DCCT bị đứt nhưng đây là vấn đề còn trên thực nghiệm vì nó liên quan đến vấn đề khía cạnh đạo đức. Nổi trội về ưu thế hơn tất cả những kỹ thuật trên chính là sử dụng vật liệu đồng loại, đó là các phần gân lấy ra từ cơ thể của người khỏe mạnh, bảo quản trong ngân hàng mô và sử dụng để thay thế cho đoạn dây chằng bị đứt.

    Những lợi ích vượt trội của sử dụng mảnh ghép đồng loại

    Sử dụng vật liệu đồng loại để tạo hình DCCT có thể coi là phẫu thuật ghép mô đồng loại, tuy nhiên, do đặc điểm mô học của cấu trúc mô gân nên tính thải ghép mô gần như không có vì vậy bệnh nhân không phải sử dụng thuốc chống thải ghép, đó là một ưu điểm vượt trội so với tất cả các phẫu thuật ghép mô khác. Tuy nhiên, mảnh ghép đồng loại còn hai nguy cơ khác mà các phẫu thuật ghép mô khác cũng có thể gặp, đó là nguy cơ nhiễm khuẩn và lây truyền các bệnh truyền nhiễm.

    Để giải quyết được nguy cơ này tất cả các ngân hàng mô trên thế giới đều sử dụng phương pháp tiệt khuẩn  bằng tia Gamma với liều phổ biến là 25kGrays và với phương pháp này, tỷ lệ nhiễm khuẩn của mảnh ghép là nhỏ hơn 1 phần triệu, không những thế, quy trình xử lý còn phải thực hiện cấy vi khuẩn thường quy để loại trừ những mảnh ghép có nguy cơ, vì vậy tỷ lệ này còn thấp hơn nữa. Khâu cuối cùng là khâu bảo quản mảnh ghép, có nhiều phương pháp bảo quản khác nhau, tuy nhiên, đối với mô mềm như mô gân thì chủ yếu là sử dụng phương pháp bảo quản ở độ lạnh sâu âm 85oC và với phương pháp này thì có thể bảo quản mảnh ghép với chất lượng không thay đổi trong vòng 5 năm.

    Tại Việt Nam, việc áp dụng quy trình sàng lọc, thu nhận, xử lý và bảo quản mô theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Ngân hàng mô châu Á Thái Bình Dương đã được thực hiện ở một số trung tâm bảo quản mô trong đó có Labô bảo quản mô của Trường đại học Y Hà Nội. Những ca tạo hình DCCT bằng mảnh ghép đồng loại đầu tiên đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện Việt Đức vào  năm 2008 và đến nay đã triển khai ở hai cơ sở chính là Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện đại học Y Hà Nội với số lượng bệnh nhân được tạo hình dây chằng bằng mảnh ghép đồng loại hơn 10 ca. Kết quả bước đầu khả quan và hứa hẹn những triển vọng phát triển cho các phẫu thuật sử dụng vật liệu đồng loại trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình cũng như sự phát triển của các ngân hàng bảo quản mô của Việt Nam.

    Với việc xử lý và bảo quản được các mảnh ghép đồng loại tại các Labô trong nước, các bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo trước khớp gối có thêm sự lựa chọn vật liệu để tạo hình dây chằng. Tuy nhiên, mặc dù việc sàng lọc, xử lý và bảo quản mảnh ghép đạt những tiêu chuẩn nhất định nhưng về mặt nguyên tắc, các nguy cơ của mảnh ghép đồng loại vẫn có thể xảy ra, vì vậy lựa chọn mảnh ghép đồng loại cho phẫu thuật phải được thực hiện trên cơ sở trao đổi kỹ càng giữa người thầy thuốc và bệnh nhân.

    TS. Trần Trung Dũng

    About the Author Bác sỹ Trần Trung Dung

    Popular posts