Vấn Đề Liền Dây Chằng Sau Tạo Hình : Một Yếu Tố Quan Trọng

     Khi 1 bệnh nhân cần phải phẫu thuật tạo hình dây chằng, mong muốn luôn luôn của tất cả các bệnh nhân là đạt được kết quả tốt, có thể vận động thể thao trở lại. Tuy nhiên, quá trình điều trị tổn thương dây chằng không chỉ dừng lại ở sau quá trình phẫu thuật mà còn kéo dài 1 thời gian sau đó mới có thể đảm bảo được sự thành công của điều trị. Sau phẫu thuật, nếu việc theo dõi và phối hợp điều trị không sát sao thì khả năng thành công của phẫu thuật sẽ có nhiều mức độ khác nhau chứ không thể đạt được mức độ cao nhất, thậm chí đôi khi còn là thất bại.  Các yếu tố liên quan đến sự thành công của điều trị tổn thương dây chằng có nhiều yếu tố như kỹ thuật phẫu thuật, mảnh ghép, …. trong đó có 1 yếu tố rất quan trọng mà đôi khi bệnh nhân chưa được khuyến cáo đầy đủ. Đó là vấn đề liền dây chằng

    Khi bị gẫy xương, dù Vấn đề liền dây chằng sau tạo hình: một yếu tố quan trọngphải phẫu thuật hay điều trị bảo tồn thì vấn đề quan tâm hàng đầu của bệnh nhân cũng như thầy thuốc là vấn đề liền xương. Trong phẫu thuật tạo hình dây chằng cũng vậy, việc liền dây chằng là một yếu tố đảm bảo thành công của phẫu thuật. Trong y văn, đã có những báo cáo nguyên nhân thất bại sau tạo hình dây chằng liên quan đến vấn đề liền và đồng hóa của dây chằng ( gọi là“biological failure”). Về yếu tố lịch sử, mảnh ghép gân bánh chè với hai nút xương ở đầu vẫn được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong việc tạo hình dây chằng vì nhiều yếu tố nhưng trong đó có yếu tố quan trọng là vấn đề liền dây chằng. Tất cả những dẫn chứng trên cho thấy việc liền dây chằng có 1 vai trò rất quan trọng trong sự thành công của phẫu thuật.

    Vậy liền dây chằng diễn ra như thế nào?

    Nguyên tắc chung của phẫu thuật dây chằng, mà cụ thể ở đây là chúng ta nói tới tạo hình dây chằng chéo trước là tạo hai đường hầm xương và cố định mảnh ghép trong hai đường hầm đó (có thể tham khảo thêm bài viết trên website: Tạo hình dây chằng chéo trước được thực hiện như thế nào?). Dù là mảnh ghép gì, tự thân hay đồng loại thì quá trình liền dây chằng gồm 2 quá trình: 1 là liền dây chằng trong đường hầm; 2 là sự liền dây chằng trong khớp với đặc trưng là sự phát triển của màng hoạt dịch bao bọc lấy dây chằng mới. Cả hai quá trình đều quan trọng và đảm bảo cho sự đồng hóa, tái cấu trúc hoàn toàn của dây chằng về sau. Trong đó, sự liền dây chằng trong đường hầm xương có vẻ quan trọng hơn vì đóng vai trò mấu chốt cho quá trình đồng hóa dây chằng về sau còn sự liền và đồng hóa dây chằng trong khớp là 1 quá trình diễn ra theo 1 thời gian khá dài sau mổ. Theo 1 số nghiên cứu thì sự phát triển của màng hoạt dịch bọc dây chằng mới hoàn toàn mất trung bình khoảng 1 năm còn sự đồng hóa cấu trúc hoàn toàn dây chằng có cấu trúc mô học giống như dây chằng nguyên thủy thì mất hơn 2 năm. Nếu mảnh ghép có nút xương (mảnh ghép gân bánh chè) thì quá trình liền dây chằng trong đường hầm tương tự quá trình liền xương, với cấu trúc xương xốp của lồi cầu xương đùi và mâm chầy thì việc này có vẻ thuận lợi hơn và đảm bảo liền chắc chắn hơn. Nếu mảnh ghép không có nút xương (mảnh ghép gân bán gân và gân cơ thon) thì quá trình liền mảnh ghép có thể coi như là sự tổng hợp của hai quá trình liền: xương xương và gân gân với sự xuất hiện của các tế bào dạng sụn và 1 quá trình giống như hình thành can xương đồng thời là sự xuất hiện của các nguyên bào sợi ở vùng giáp ranh giống như quá trình liền gân – gân. Quá trình này càng diễn ra nhanh chóng thì càng làm cho quá trình điều trị được rút ngắn vì nó đảm bảo cho sự cố định vững chắc của dây chằng trong đường hầm, giúp cho bệnh nhân có thể tập phục hồi và trở lại vận động sớm được. Nếu quá trình liền dây chằng này diễn ra không bình thường thì dây chằng không liền được và thất bại là chắc chắn. Để đảm bảo dây chằng liền trong đường hầm tương đối thì cũng phải mất vào khoảng 8 tuần, vì vậy tùy theo phương tiện cố định, tùy theo đánh giá của phẫu thuật viên mà việc đeo nẹp, khả năng tỳ chân, việc tập vận động có thể khác nhau giữa các phẫu thuật viên và ngay cả giữa các bệnh nhân của cùng một phẫu thuật viên mổ.

    Làm thế nào để tăng tốc độ liền dây chằng sau mổ?

    Như vậy, chúng ta có thể thấy liền dây chằng đóng vai trò quan trọng như thế nào đến sự thành công của phẫu thuật. Tuy nhiên, còn 1 vấn đề quan trọng hơn nữa mà có lẽ tất cả bệnh nhân đều mong muốn, đặc biệt là các bệnh nhân thi đấu thành tích cao là khả năng trở lại sinh hoạt, thi đấu càng sớm càng tốt. Điều này phụ thuộc vào cái gì? Xin thưa: Đó là sự liền của dây chằng. Vì vậy, mong muốn tăng tốc độ liền dây chằng đã là điều mà các bác sỹ thấu hiểu và đi sâu nghiên cứu để có thể trả bệnh nhân lại sớm nhất với cuộc sống sinh hoạt và thi đấu. Tính đến hiện tại, có rất nhiều hướng nghiên cứu được áp dụng như sử dụng tế bào gốc, các chế phẩm hóa học hỗ trợ… được sử dụng và bước đầu chứng minh những hiệu quả trên nghiên cứu và đã được sử dụng thử nghiệm tại 1 số trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới. Hy vọng, trong 1 tương lai không xa, có thể sử dụng rộng rãi cho các bệnh nhân để có thể rút ngắn được thời gian điều trị sau phẫu thuật, trả bệnh nhân về với cuộc sống thường nhật sớm nhất có thể.

    TS Trần Trung Dũng (tổng hợp)

    About the Author Trị Quản

    Popular posts