Rách Sụn Chêm Khớp Gối : Nên Cắt Bỏ Hay Nên Khâu Lại?

    Tổn thương rách sụn chêm khớp gối khá thường gặp, có thể đơn thuần hoặc phối hợp với tổn thương dây chằng của khớp gối. Rách sụn chêm thường được chỉ định can thiệp khi gây ra các triệu chứng như đau, tràn dịch, kẹt khớp, … hay chúng ta hiểu nôm na là rách lớn đến mức gây phiền toái cho bệnh nhân vì một số trường hợp rách nhỏ ko gây triệu chứng thì có thể chưa cần can thiệp ngay. Đa số các phẫu thuật can thiệp sụn chêm ở nước ta hiện nay vẫn là cắt bỏ phần sụn chêm rách và sửa phần sụn còn lại cho có thể đảm đương được chức năng của sụn. Tuy nhiên, những nghiên cứu theo dõi của chúng tôi thấy rằng, sau phẫu thuật cắt sụn chêm rách sau 3 đến 5 năm thì có khoảng 10% các trường hợp có biểu hiện thoái hoá khớp gối, thường là những trường hợp phải cắt bỏ sụn chêm nhiều (Đỗ Việt Sơn, Trần Trung Dũng (2013): “Nhận xét kết quả xa điều trị rách sụn chêm khớp gối qua nội soi tại bệnh viện Việt Đức”. Tạp chí Nghiên cứu Y học). Như vậy, phẫu thuật cắt sụn chêm có thể giải quyết các triệu chứng trước mắt nhưng lại có nguy cơ để lại hậu quả lâu dài là thoái hoá khớp sớm. Vậy thì có giải pháp nào hài hoà được hai vấn đề đó không?

    Rách sụn chêm khớp gối: nên cắt bỏ hay nên khâu lại?

    Hiện tại, trên thế giới có hai giải pháp chính để giải quyết vấn đề đó là khâu lại sụn chêm rách và ghép sụn chêm. Ghép sụn chêm là 1 phẫu thuật khá lớn và phức tạp, hơn nữa thường sử dụng là sụn chêm đồng loại (allograft) để ghép mà trong điều kiện hiện tại của nước ta chưa thực hiện ngay được. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin chỉ chia sẻ 1 số vấn đề liên quan đến việc khâu sụn chêm mà bệnh nhân cũng như một số bác sỹ vẫn còn băn khoăn.
    Như chúng ta đã biết, sụn chêm có vai trò rất quan trọng trong việc điều hoà lực truyền từ xương đùi xuống xương chầy nên khi không có sụn chêm 1 phần hay hoàn toàn thì khả năng điều hoà lực này bị ảnh hưởng, sự phân phối lực không còn đều giữa các vùng của xương đùi xuống xương chầy nên dễ gây tổn thương lớp sụn khớp từ đó dẫn đến thoái hoá khớp. Trong trường hợp cắt sụn chêm, chúng ta có thể tiên lượng ngay mức độ ảnh hưởng theo lượng sụn chêm bị cắt bỏ, sụn cắt bỏ càng nhiều thì nguy cơ thoái hoá càng sớm và càng lớn. Vì vậy, nếu có khả năng khâu lại thì có nên khâu hay không?
    Câu hỏi này được đặt ra bởi vì theo tư duy thông thường, việc khâu lại thường thực hiện khi có khả năng liền sụn chêm, nếu không liền sụn chêm thì hiệu quả có thể thấp do theo thời gian, trong quá trình vận động, chỉ khâu có thể bị đứt và các triệu chứng do rách sụn chêm xuất hiện trở lại. Về mặt giải phẫu vi thể, sụn chêm gần như không có mạch nuôi, chỉ có 1 phần nhỏ ở sát rìa bao khớp là có mạch nuôi, gọi là “vùng đỏ” (red zone) nên nếu khâu ở vùng này thì khả năng liền mới cao. Tuy nhiên, kể cả ở “vùng đỏ” thì việc khâu lại phải sớm mới có cơ hội liền được, nếu rách sụn ở vùng này mà đến muộn, tổn thương tại vị trí rách đã xơ hoá thì cơ hội liền không còn cao nữa. Do đó, nếu cân nhắc vấn đề liền sụn chêm thì chỉ định khâu lại sụn chêm khá hạn chế.
    Quan điểm khác biệt 1 chút trong vấn đề chỉ định khâu lại sụn chêm liên quan đến những nghiên cứu và theo dõi dài lâu trong đó có nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ thoái hoá khớp sớm. Việc khâu lại sụn chêm trong các trường hợp rách sụn chêm nhằm phục hồi hình thái giải phẫu để đảm bảo việc thực hiện chức năng của sụn chêm mà không quan tâm đến vấn đề liền sụn chêm hay không. Khâu lại sụn chêm trong các trường hợp này sẽ giải quyết được các phiền toái hiện tại do rách sụn chêm (đau, tràn dịch, kẹt khớp, …) và đảm bảo kéo dài tuổi thọ của khớp  thông qua việc chức năng sụn chêm được đảm bảo. Các nghiên cứu trên thế giới và trong nước cũng cho thấy hiệu qủa của việc khâu lại sụn chêm đối với việc phục hồi và duy trì chức năng khớp gối theo thời gian. Tuy nhiên, có 1 băn khoăn của bệnh nhân và phẫu thuật viên là, khả năng đứt chỉ và rách lại sụn chêm sau khi khâu vì khả năng liền sụn chêm thấp. Các thế hệ chỉ khâu sụn chêm hiện tại có độ bền cơ học cao cho phép khắc phục phần nào hạn chế này. Tỷ lệ rách lại sụn chêm là khá thấp, theo 1 số nghiên cứu là dưới 5% qua đó cho thấy hiệu quả của việc khâu lại sụn chêm là khả quan.
    Như vậy, nếu còn khả năng khâu được sụn chêm thì nên khâu. Vấn đề khó khăn là việc đánh giá khả năng khâu lại được hay không phụ thuộc chủ yếu vào thăm dò và đánh giá trong nội soi chứ không dễ dàng đánh giá dựa vào lâm sàng và phim ảnh trước khi phẫu thuật được. Quyết định khâu hay cắt sửa, phần nào khâu được, phần nào không khâu được phải dựa vào tổn thương cụ thể để thực hiện. Nói như vậy nghĩa là không phải tất cả các trường hợp rách sụn đều có thể khâu được. Đồng thời, bệnh nhân nếu được khâu lại sụn chêm thì cũng cần ý thức được rằng việc khâu lại có thể không liền và có thể chỉ khâu bị đứt và rách lại chỗ khâu. Việc trao đổi cụ thể giữa bác sỹ và bệnh nhân là vô cùng quan trọng trong đó việc bệnh nhân hiểu thấu đáo ý nghĩa, hiệu quả và các vấn đề đi kèm đóng vai trò quyết định đối với việc lựa chọn việc có tiến hành khâu lại sụn hay không.
    TS Trần Trung Dũng (From Taiwan)

    About the Author Bác sỹ Trần Trung Dung

    Popular posts