Phẫu thuật thay khớp vai ( phần 1): khi nào nên cân nhắc thực hiện

    Phẫu thuật thay khớp vai

    Phẫu thuật thay khớp vai nằm trong nhóm các phẫu thuật thay thế các khớp, tuy nhiên phẫu thuật này ít phổ biến hơn so với phẫu thuật thay khớp háng và khớp gối. Bài viết này trình bày sơ lược những vấn đề cơ bản có liên quan đến phẫu thuật thay khớp vai. Các nội dung chính bao gồm:

    Phẫu thuật thay khớp vai

    1. Khi nào cần cân nhắc đến khả năng phẫu thuật thay khớp vai?

    2. Phẫu thuật thay khớp vai được thực hiện như thế nào?

     

    Khi nào cần cân nhắc đến khả năng thay khớp vai

    Cũng giống như chỉ định chung của các phẫu thuật thay khớp, phẫu thuật thay khớp vai được cân nhắc tiến hành khi khớp bị hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến khả năng vận động thực hiện động tác và gây phiền toái cho bệnh nhân trong cuộc sống mà chủ yếu là các khó chịu do đau. Có hai nguyên nhân chính làm hỏng khớp vai là: thoái hóa khớp vai hay gọi là hư khớp và gãy xương phức tạp vùng đầu trên xương cánh tay.

    Thoái hóa khớp vai có hai loại là thoái hóa khớp vai nguyên phát( thường do yếu tố tuổi tác) và thoái hóa khớp vai thứ phát( do bệnh lý như viêm khớp dạng thấp,…) trong đó, thường gặp hơn là các tổn thương thoái hóa khớp vai thứ phát. Điều này hơi khác biệt so với tổn thương thoái hóa khớp ở chi dưới( khớp gối và khớp háng) thường gặp là thoái hóa khớp nguyên phát.

    Gãy xương phức tạp vùng đầu trên xương cánh tay mà cụ thể là gãy cổ và chỏm xương cánh tay. Theo tác giả Neer đưa ra phân độ gãy xương vùng này trong đó về cơ bản là dựa vào số mảnh gãy để đưa ra được tiên lượng về khả năng can thiệp trong đó, tổn thương độ 4 là tổn thương nặng, nếu điều trị bảo tồn không phẫu thuật hoặc bằng các phương pháp kết hợp xương thông thường thì gần như chắc chắn bệnh nhân sẽ bị mất hoặc hạn chế vận động khớp vai. Vì vậy, với tổn thương Neer 4, chỉ định thay khớp vai được cân nhắc.

    Như vậy, về cơ bản, phẫu thuật thay khớp vai nên được thực hiện khi sự hư hỏng khớp nặng nề và ảnh hưởng đến chức năng của khớp và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Ngoài những yếu tố về tổn thương thực thể tại khớp, tương tự như các phẫu thuật thay khớp khác, việc quyết định phẫu thuật dựa trên đánh giá về chuyên môn của bác sỹ và nguyện vọng, mong muốn của bệnh nhân để có được quyết định phù hợp nhất.

    TS Trần Trung Dũng( tổng hợp và lược dịch)

    Tài liệu tham khảo

    1. http://www.eorthopod.com/content/artificial-joint-replacement-shoulder

    2. http://orthoinfo.aaos.org/topic.cfm?topic=A00094

    3. http://arthritis.webmd.com/shoulder-replacement-surgery

    4.http://www.hss.edu/conditions_Shoulder-Replacement-Surgery-Diagnosis-Treatment-Recovery.asp

    About the Author dungbacsy

    Phó giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Trung Dũng Giảng viên đại học Y Hà Nội - Bác sỹ phẫu thuật chuyên khoa Cơ xương khớp Phó giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn Hà Nội (St Paul University Hospital) Email: dungbacsy@dungbacsy.com Website: www.dungbacsy.com

    Popular posts