Nội Soi Khớp Gối Điều Trị U Nang Bao Hoạt Dịch Khoeo( Kén Baker)

    Kén Baker hay u nang bao hoạt dịch khoeo là tình trạng thoát vị của bao hoạt dịch khớp gối ra khu sau khoeo chân, tình trạng này khá thường gặp ở những bệnh nhân trung niên, có thể có tiền sử chấn thương khớp gối, …. Thông thường, kén Baker ít gây phiền toái khi còn nhỏ hoặc còn mềm nhưng khi kén có kích thước lớn, căng thì có thể gây phiền toái, ảnh hưởng đến động tác gấp gối như ngồi xổm, đi cầu thang, …. Hiếm gặp hơn, một số trường hợp có thể chèn ép vào mạch máu hay thần kinh gây ra những khó chịu phía dưới cẳng chân. Chỉ định phẫu thuật được đặt ra khi kén Baker lớn, căng, ảnh hưởng sinh hoạt vận động hoặc có biểu hiện chèn ép mạch máu hoặc thần kinh.

    Đa số các phẫu thuật kén Baker được thực hiện với đường mổ mở kinh điển phía sau khoeo chân, phẫu tích cắt nang và khâu tạo hình bao khớp. Một trong những yêu cầu quan trọng trong phẫu thuật kén Baker là phải khâu được bao khớp, đảm bảo đóng kín luồng thông vào khớp nếu không sẽ thất bại ngay. Trong trường hợp không khâu được bao khớp, tỷ lệ thất bại có thể đến 90% theo thông báo của một số tác giả. Trong trường hợp đóng được bao khớp, tỷ lệ thất bại vẫn có thể đến 20%, nguyên nhân là vì chất lượng bao khớp kém do tổn thương trên nền 1 khớp gối thoái hóa. Một số tác giả đề cập đến việc sử dụng vạt cân để tạo hình bao khớp cho tỷ lệ thành công đến 95%. Tuy nhiên, đối với tất cả các phẫu thuật mổ mở, sự e ngại là đường mổ lớn, khu vực có nhiều mạch máu thần kinh nên có nguy cơ cao.
    Những hiểu biết sâu và mới về cơ chế bệnh sinh của đã gợi ra hướng điều trị can thiệp kén Baker qua nội soi khớp. Về cơ bản, ngay phía sau khoeo có 1 túi hoạt dịch nhỏ nằm giữa các cơ và được cho rằng có sự thông thương với khớp gối, đã được chứng minh có đường thông ở 50% các trường hợp phẫu tích trên tử thi. Bình thường, túi hoạt dịch này có rất ít dịch, có vai trò chính như các túi hoạt dịch khác là làm giảm ma sát của chuyển động giữa các khối cơ. Khi có tình trạng dịch trong khớp gối tràn vào túi hoạt dịch dẫn đến hình thành kén Baker. Nếu sự thông thương giữa túi hoạt dịch và khớp bình thường thì kén Baker nhỏ, mềm, có thể tự xẹp hoặc làm xẹp được, tuy nhiên khi sự thông thương chỉ là 1 chiều từ khớp vào túi hoạt dịch (“hiệu ứng van”) thì kén Baker sẽ to dần, căng và không thể làm xẹp được. Lúc này bắt đầu gây phiền toái cho người bệnh.
    Như vậy, có 2 điều kiện để hình thành kén Baker lớn là: 1 là có tình trạng tăng tiết dịch ( do nguyên nhân nào đó) và 2 là có “hiệu ứng van”. Phẫu thuật mổ mở kinh điển dựa trên nguyên lý phục hồi cấu trúc giải phẫu, đóng đường thông nhưng không giải quyết được tình trạng tăng tiết dịch, đặc biệt là khi có nguyên nhân cụ thể như rách sụn chêm, thoái hóa sụn, ….Với những hiểu biết về sinh lý tổn thương của kén Baker như vậy, phẫu thuật nội soi điều trị kén Baker là ý tưởng tuyệt vời, vừa giải quyết được nguyên nhân gây tăng tiết dịch khớp và giải quyết được “hiệu ứng van” bằng cách mở rộng đường thông của kén Baker nhờ đó kén Baker sẽ nhỏ dần, xẹp tự nhiên nhờ sự co bóp của các khối cơ. Kết quả nghiên cứu của các tác giả thế giới với thời gian theo dõi dài cho thấy tỷ lệ thành công rất cao, theo dõi sau 6 tháng, kích thước kén còn không đáng kể và không gây phiền toái cho bệnh nhân. Một trong những khó khăn của điều trị kén Baker bằng nội soi là đòi hỏi kỹ thuật của phẫu thuật viên rất cao vì thao tác hoàn toàn ở khoang phía sau của lồi cầu trong xương đùi, phẫu trường hẹp và sâu, rất gần các cấu trúc mạch và thần kinh phía sau. Tuy nhiên, việc can thiệp bằng nội soi khớp, bên cạnh việc giải quyết triệt để nguyên nhân thì còn có những ưu điểm khác của phẫu thuật nội soi khớp như vấn đề thẩm mỹ, thuận lợi cho phục hồi chức năng sau phẫu thuật và tôn trọng giải phẫu và sinh lý của khớp gối.
    TS Trần Trung Dũng

    About the Author Trị Quản

    Popular posts