Hội Chứng Hẹp Khoang Phía Trước Của Khớp Cổ Chân

    Hội chứng hẹp khoang phía trước của khớp cổ chân: 1 nguyên nhân gây đau mạn tính khớp cổ chân

    Hẹp khoang khớp cổ chân (ankle impingement) được xác định là tình trạng đau và hạn chế cơ học biên độ vận động khớp cổ chân do các bất thường về xương hoặc phần mềm. Hẹp khoang khớp cổ chân có thể gặp ở phía trước, phía trước ngoài, phía sau hoặc phía trên của khớp cổ chân (liên quan chấn thương dây chằng chày mác trước dưới). Trong đó, hẹp khoang phía trước khớp cổ chân là thường gặp nhất. Hẹp khoang phía trước khớp cổ chân thường có biểu hiện chính là đau phía trước của khớp cổ chân. Triệu chứng …

    Hội chứng hẹp khoang phía trước của khớp cổ chân: 1 nguyên nhân gây đau mạn tính khớp cổ chân

    Hội chứng hẹp khoang phía trước của khớp cổ chân
    cơ che hep khoang do choi xuong tren x quang

    Hẹp khoang khớp cổ chân (ankle impingement) được xác định là tình trạng đau và hạn chế cơ học biên độ vận động khớp cổ chân do các bất thường về xương hoặc phần mềm. Hẹp khoang khớp cổ chân có thể gặp ở phía trước, phía trước ngoài, phía sau hoặc phía trên của khớp cổ chân (liên quan chấn thương dây chằng chày mác trước dưới). Trong đó, hẹp khoang phía trước khớp cổ chân là thường gặp nhất. Hẹp khoang phía trước khớp cổ chân thường có biểu hiện chính là đau phía trước của khớp cổ chân. Triệu chứng đau thường tăng lên khi bệnh nhân cố gắng thực hiện động tác gấp về phía mu chân. Thông thường, hẹp khoang thường gặp do nguyên nhân là các chồi xương thoái hoá ở phía trước của khớp tuy nhiên cũng có trường hợp hẹp khoang do nguyên nhân phần mềm. Hẹp khoang cũng có thể là hậu quả của tình trạng thoái hoá khớp cổ chân nhưng thường gặp hơn ở những người có tần suất sử dụng khớp cổ chân nhiều như vận động viên bóng đá, vũ công hoặc bệnh nhân bị chấn thương khớp cổ chân nhiều lần (thường do chấn thương thể thao). Việc điều trị thường bắt đầu bằng các biện pháp phục hồi chức năng (đi giầy, hạn chế vận động, thuốc, băng cổ chân,…), một số trường hợp không cải thiện có thể phải cân nhắc phẫu thuật. Trước kia, phẫu thuật thực hiện qua mổ mở kinh điển nên chỉ định thường hạn chế hơn do những phiền toái của phẫu thuật đem lại, ngày nay, đa số các trường hợp có thể thực hiện qua nội soi khớp cổ chân nên giảm bớt được các phiền toái đó. Phẫu thuật thường thực hiện qua nội soi với việc lấy bỏ chồi xương hoặc phần mềm để làm rộng khoang.
    Minh họa vị trí đau trong hẹp khoang trước khớp cổ chân

    Triệu chứng lâm sàng

    Triệu chứng chính của hẹp khoang trước khớp cổ chân là biểu hiện đau phía trước khớp cổ chân (hình 1). Triệu chứng có thể xuất hiện khi bệnh nhân thực hiện động tác gấp bàn chân về phía mu chân, làm cho 2 cấu trúc xương cọ xát với nhau (xương chày và xương sên), nếu có chồi xương thì thường kèm theo tình trạng giảm biên độ vận động của khớp cổ chân về phía mu chân. Các vận động làm cho 2 cấu trúc xương cọ xát với nhau thường xuyên sẽ làm tăng nặng tổn thương như các hoạt động thể thao hoặc có thể chấn thương trực tiếp.

    Nguyên nhân chính của hẹp khoang trước khớp cổ chân là tình trạng thoái hoá khớp. Sự tiến triển của tình trạng viêm và tổn thương sụn khớp là yếu tố chính dẫn đến hình thành các chồi xương ở phía trước của khớp cổ chân.

    Hẹp khoang trước khớp cổ chân cũng thường gặp ở những người có chấn thương lặp đi lặp lại vào vùng trước của khớp cổ chân như vận động viên bóng đá. Tình trạng vi chấn thương tại chỗ có thể gặp khi thực hiện động tác sút bóng, lặp đi lặp lại nhiều lần dẫn đến hình thành chồi xương phía trước.
    Một số trường hợp, hẹp khoang phía trước là kết quả của tình trạng phì đại quá mức của phần mềm phía trước dẫn đến cản trở cơ học gây hẹp khoang. Có thể gặp do xơ hoá bao khớp hoặc phì đại màng hoạt dịch. Những trường hợp này sẽ không quan sát thấy trên phim X quang mà chỉ có thể đánh giá trên phim cộng hưởng từ.
    Các triệu chứng kinh điển được mô tả là tình trạng sung nề nhẹ phía trước khớp cổ chân, đau phía trước khớp cổ chân và tăng lên khi gấp về phía mu chân, kèm theo có thể hạn chế biên độ vận động.

    Chẩn đoán hình ảnh

    Phần lớn các trường hợp hẹp khoang phía trước là do nguyên nhân chồi xương, có thể quan sát thấy dễ dàng trên phim X quang cổ chân nghiêng. Kích thước chồi xương thay đổi khác nhau. X quang cũng cho thấy mức độ thoái hoá khớp cổ chân là nhẹ, vừa hay nặng.
    Cộng hưởng từ rất có giá trị, ngoài việc đánh giá chồi xương, mức độ thoái hoá khớp cũng cho biết thêm tình trạng của phần mềm xung quanh.

    Điều trị

    Điều trị không phẫu thuật
    Đa số các trường hợp, triệu chứng có thể cải thiện với điều trị không phẫu thuật. Nguyên tắc của điều trị không phẫu thuật là hạn chế các động tác gây sang chấn tiếp tục đối với vùng trước cổ chân (các động tác gấp về phía mu chân) và giảm đau. Một số liệu pháp được sử dụng như:

    1. Sử dụng giày nâng gót nhẹ (giày cao gót): giúp giảm các cọ xát giữa xương sên và xương chầy khi bệnh nhân đi lại
    2. Băng chun cổ chân để giúp giảm biên độ vận động cổ chân
    3. Điều chỉnh các hoạt động hàng ngày: như các hoạt động thể thao, các động tác phải gấp cổ chân về mu chân nhiều như leo cầu thang, …
    4. Sử dụng các thuốc chống viêm
    5. Một số trường hợp, sử dụng corticoid tiêm nội khớp có thể đạt hiệu quả, nhất là trên bệnh nhân có biểu hiện thoái hoá khớp cổ chân

    Điều trị phẫu thuật
    Một số trường hợp, điều trị nội khoa không hiệu quả, phẫu thuật có thể là giải pháp điều trị hợp lý. Nếu triệu chứng chính của bệnh nhân là do tình trạng impingement mà không phải do tình trạng thoái hoá khớp cổ chân thì phẫu thuật loại bỏ các chồi xương và tổ chức thoái hoá sẽ đem lại hiệu quả. Ngày nay, việc phẫu thuật thường được tiến hành qua nội soi khớp cổ chân. Việc loại bỏ các chồi xương chỉ làm cải thiện các triệu chứng do tình trạng hẹp khoang chứ không cải thiện nhiều các triệu chứng do thoái hoá cổ chân. Về mặt lý thuyết, các chồi xương có thể phát triển trở lại nếu tình trạng cổ chân thoái hoá tuy nhiên thực tiễn cho thấy cũng không phổ biến lắm.

    PGS Trần Trung Dũng (from Buxtehude, Germany-10/2016)

    About the Author Trị Quản

    Popular posts