Điều Trị Đứt Dây Chằng Chéo Trước Khớp Gối Ở Trẻ Em ?

     Tổn thương dây chằng chéo trước khớp gối ở trẻ em, đặc biệt trẻ vị thành niên ít gặp hơn ở người trưởng thành nhưng gần đây có xu hướng tăng lên, do liên quan nhiều đến các hoạt động thể thao. Cũng như ở người trưởng thành, dây chằng chéo trước bị tổn thương cũng dẫn đến các nguy cơ tương tự đối với khớp gối do đó đòi hỏi sự cần thiết của phẫu thuật. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này, xương của trẻ vẫn đang phát triển vì vậy việc tạo hình dây chằng với việc tạo các đường hầm xương có nguy cơ tổn thương sụn này và ảnh hưởng đến sự phát triển xương tiếp theo của trẻ. Vậy thì, chúng ta nên làm gì? Kế hoạch điều trị ra sao?…

    Sự phát triển xương của trẻ em dựa trên bản sụn phát triển nằm ở đầu các xương dài, đối với khớp gối, là đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày. Về cơ bản, khi xương đã phát triển hoàn chỉnh thì hình ảnh của sụn phát triển sẽ không còn thấy trên phim X quang nữa.

    ảnhĐiều trị đứt dây chằng chéo trước khớp gối ở trẻ em?

    Vai trò quan trọng của sụn phát triển là phát triển xương, làm dài và hoàn chỉnh cấu trúc đầu xương. Vì một lý do nào đó, mà sụn phát triển bị chấn thương thì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương dẫn đến các thay đổi về hình dạng và cấu trúc: ngắn chi, cong vẹo, … Các chấn thương thường gặp nhất là gãy xương vào vùng sụn phát triển.

    Đối với tạo hình dây chằng chéo trước, tạo hình 2 đường hầm xương ở mâm chầy và xương đùi ở vị trí bám nguyên thủy của dây chằng là cần thiết và sau đó là luồn gân và cố định gân trong đường hầm xương đùi. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết về kỹ thuật tạo hình dây chằng theo đường dẫn:http://dungbacsy.com/page.aspx?page_code=KTPT&ContentItemID=5740&ds=1392&do=884

    Vì vậy, khác với người lớn, việc tạo hình dây chằng là phải cân nhắc giữa hai việc: 1 là tạo hình lại dây chằng để ngăn ngừa các tổn thương khớp thứ phát và phục hồi chức năng khớp gối; 2 là việc tạo đường hầm và cố định dây chằng trong đường hầm qua bản sụn phát triển có thể ảnh hưởng đến sự phát triển xương.

    Hơn nữa, quá trình phát triển của trẻ qua nhiều giai đoạn khác nhau với tốc độ khác nhau, vì vậy lựa chọn điều trị không giống nhau mà phụ thuộc vào quá trình phát triển, trong đó mức độ phát triển xương đóng vai trò quan trọng. Đánh giá sự phát triển của trẻ, có nhiều cách đánh giá, trong đó có phân loại của Tanner.

    Một số tác giả đề xuất việc trì hoãn phẫu thuật đến khi việc phát triển bản sụn hoàn thành hoặc tương đối hoàn thành, tuy nhiên kết quả thành công không cao và bệnh nhân lại phải giảm các hoạt động thể thao cần thiết.

    Trong trường hợp không thể trì hoãn được việc phẫu thuật, một số tác giả khác đề xuất việc tạo hình đường hầm tránh bản sụn tiếp hợp nhưng lại gặp phải vấn đề về vị trí giải phẫu của dây chằng không đạt được mức tốt nhất cần thiết. Để giải quyết việc này, một số tác giả khuyến cáo là nên khoan đường hầm với kích thước bé nhất có thể và không có yếu tố kích thích (nút xương hoặc vít cố định dây chằng) ở vị trí bản sụn phát triển.

    Chính vì những khó khăn trên nên tổn thương dây chằng chéo trước khớp gối ở trẻ em không có một phác đồ điều trị cụ thể và thống nhất, việc quyết định có thực hiện phẫu thuật hay không phụ thuộc vào tình trạng tổn thương dây chằng, mức độ lỏng gối, các tổn thương phối hợp, nhu cầu vận động của bệnh nhân, giai đoạn trưởng thành của bệnh nhân, việc thấu hiểu các nguy cơ và sự cần thiết của phẫu thuật của gia đình bệnh nhân.

    Tóm lại là, có vẻ rắc rối và phức tạp nhỉ. Tuy nhiên, 1 điều rất may mắn là ở trẻ mà mức độ trưởng thành chưa cao thì tổn thương dây chằng ít gặp mà nếu có thì thường là bong điểm bám và tổn thương dây chằng thì gặp chủ yếu hơn ở trẻ mà mức độ trưởng thành cao và gần hoàn chỉnh, do đó, việc lựa chọn phương án điều trị có vẻ dễ dàng hơn.

    TS Trần Trung Dũng

    About the Author Trị Quản

    Popular posts