Dị tật khớp gối cong lõm

    Dị tật khớp gối cong lõm

    tu the dung nghieng che mat

    Dị tật khớp gối cong lõm là 1 dị tật hiếm gặp, đặc biệt là ở người lớn. Dị tật này nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể phục hồi được 1 phần hoặc hoàn toàn chức năng khớp gối. Trong trường hợp phát hiện muộn thì không có nhiều lựa chọn trong điều trị, thông thường là sửa trục chi và đóng cứng khớp gối. Phát hiện ở giai đoạn muộn thường ít nhiều để lại ảnh hưởng trên những khớp lân cận và cột sống. Nhân 1 trường hợp được phẫu thuật ở giai đoạn muộn, chúng tôi xin giới thiệu bài viết đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống số 165 ngày 16 tháng 10 năm 2010

    Dị tật khớp gối cong lõm hiếm gặp không còn là nỗi khiếp sợ

    Sau gần 30 năm sống trong tình trạng tật nguyền với hình dạng kỳ dị, một bệnh nhân nữ 27 tuổi ở Thường Xuân – Thanh Hóa đã được các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phẫu thuật chỉnh hình thành công. Cuộc sống với những ước mơ giản dị của một người phụ nữ bình thường đã được bắt đầu.

    Hơn 20 năm tìm lá rừng chữa bệnh

    Bệnh nhân Vi Thị L., 27 tuổi (Thuận Thành, Thường Xuân, Thanh Hóa) đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám bệnh trong hình dáng bị biến dạng, những bước đi xô lệch bởi một chân của bệnh nhân giống như chân bò. Ông Vi Văn T., bố của bệnh nhân cho biết, ngay từ khi sinh ra, mọi người đã nhận thấy L. có cái chân không bình thường. Thương con, ban đầu vợ ông cứ cần mẫn vuốt ve, nắn bóp nhưng không có hiệu quả. Khi L. bắt đầu tuổi tập đi, nhìn con quặt quẹo với cái chân dị tật, mẹ bệnh nhân chỉ biết khóc. Đến tuổi đi học, L. cũng được cha mẹ cho đến trường nhưng vì trường xa, đường gập ghềnh qua đèo, vượt suối, lại với đôi chân không lành lặn nên cô chỉ học chưa hết cấp II. Khi còn nhỏ, L. không hiểu hết những thiệt thòi do dị tật mang lại nhưng khi lớn lên thì cô nhận thức được điều đó và không khỏi buồn phiền. Những người bạn cùng trang lứa có thể đi xe máy xuống thị trấn, xuống thành phố…, có thể đi hội hè vui vẻ và được bao người quan tâm để ý, còn cô xuất hiện ở đâu cũng chỉ nhận được những ánh mắt tò mò, thương hại.

    Theo những lời mách bảo của người dân trong bản, vợ chồng ông T. cứ miệt mài lên rừng tìm kiếm hết lá thuốc này đến lá thuốc khác đem về giã đắp cho con suốt hơn hai mươi năm qua. Nghe đồn ở đâu có ông lang hay, bà lang giỏi là vợ chồng ông lặn lội tìm đến. Có khi vài tháng chân L. phải bó thuốc như người bó bột nhưng khi mở thuốc ra thì mọi thứ vẫn nguyên như cũ. Tệ hơn nữa là tình trạng cơ đùi và mông bên chân dị tật (chân phải) của cô ngày một teo lại. Gần đây được một người quen mách bảo, ông T. quyết tâm đưa con ra Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chữa trị. Với tình trạng của bệnh nhân L., các bác sĩ nơi đây quyết định phẫu thuật chỉnh hình cho cô.

     
     Xquang chân bệnh nhân L. trước mổ (trái) và sau mổ.

    Một dị tật hiếm gặp và có nhiều biến chứng

    ThS. Trần Trung Dũng – người trực tiếp thăm khám và phẫu thuật cho bệnh nhân L. cho biết, đây là dị tật gối cong lõm (genou recurvatum), dị tật này rất hiếm gặp. Bệnh nhân L. đến viện trong tình trạng không có khả năng gập gối, gối cong lõm ở tư thế nghỉ là 300, tư thế đi lại là 500, cổ chân duỗi đổ ở 200. Thiểu sản toàn bộ vùng cơ đùi và cơ mông bên chân dị tật và quá phát cơ vùng cẳng chân sau. Trên phim Xquang, gối cong lõm trước, thiểu sản xương bánh chè và đầu dưới xương đùi. Biến dạng gần như hoàn toàn diện khớp gối của xương đùi.

    Để chỉnh hình cho bệnh nhân này, các bác sĩ quyết định sửa trục xương đùi, kéo dài gân tứ đầu đùi, làm cứng khớp gối ở tư thế 00, kéo dài gân Asin. Theo ThS. Dũng, dị tật gối cong lõm ở bệnh nhân L. không chỉ gây những biến chứng kể trên mà còn bắt đầu có dấu hiệu tổn thương khớp háng, cong vẹo cột sống khiến hình dạng của bệnh nhân càng kỳ dị hơn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cải thiện được chức năng đi lại, ngăn ngừa các biến chứng trên khớp háng, xương sống, giải quyết được tình trạng dị dạng, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ cho người bệnh.

    Cần được điều trị càng sớm càng tốt

    ThS. Trần Trung Dũng cho biết, đây là trường hợp điều trị ở giai đoạn bệnh đã muộn, nhiều biến chứng, hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn nếu bệnh nhân được can thiệp sớm. Đây là những thiệt thòi của những người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hoặc không có những thông tin về những cơ sở có thể chữa trị, hơn nữa khó khăn về chi phí cũng khiến họ không được tiếp cận với các kỹ thuật điều trị sớm nhất và tốt nhất.

    Đối với dị tật như bệnh nhân L., nếu được điều trị ngay từ nhỏ (dưới 3 tuổi) thì chỉ cần bó bột chỉnh hình. Tốt nhất là giai đoạn sơ sinh đến tuổi bắt đầu tập đi. Ở những trẻ lớn hơn thì cần phải phẫu thuật chỉnh hình, phải đục xương sửa trục, kéo dài gân tứ đầu đùi nhưng cấu trúc giải phẫu của khớp gối vẫn còn nguyên chưa biến dạng thì trẻ cũng vẫn đạt được kết quả tốt nhất. Những bệnh nhân đến muộn, đã ở tuổi trưởng thành, giải phẫu khớp gối không còn nguyên vẹn vì thiểu sản cơ tứ đầu đùi, xương bánh chè và đầu dưới xương đùi thì phải lựa chọn biện pháp đóng cứng khớp gối. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phải bó bột trong 6 tuần, sau đó bỏ bột và có thể đi lại dễ dàng.

    (Theo Sức khỏe và Đời sống)

    About the Author dungbacsy

    Phó giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Trung Dũng Giảng viên đại học Y Hà Nội - Bác sỹ phẫu thuật chuyên khoa Cơ xương khớp Phó giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn Hà Nội (St Paul University Hospital) Email: dungbacsy@dungbacsy.com Website: www.dungbacsy.com

    Popular posts