Tại sao đái tháo đường gây ra các biến chứng bàn chân ?

    Đái tháo đường là bệnh lý có tăng lượng đường( glucose) trong máu. Tình trạng tăng đường máu sẽ dẫn đế các tổn thương các cơ quan như thận, mắt, mạch máu và thần kinh đồng thời làm suy giảm khả năg chống lại tình trạng nhiễm trùng của cơ thể. Các tổn thương ở bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường thường gặp và là hậu quả của các tổn thương mạch máu, thần kinh cũng như khả năng chống lại tình trạng nhiễm trùng và các tổn thương này cũng rất dễ tiến triển nặng lên nhanh chóng

    Do tổn thương thần kinh do đái tháo đường, bệnh nhân thường giảm hoặc mất cảm giác của bàn chân. Việc tiết mồ hôi và chất nhờn ở bàn chân cũng thay đổi. Những yếu tố này phối hợp với nhau có thể dẫn đến sự thay đổi áp lực lên các thành phần của bàn chân như da, xương, khớp khi đi lại và dẫn đến tổn thương các thành phần này. Đau là những triệu chứng đầu tiên xuất hiện.

    Tổn thương mạch máu và hệ miễn dịch làm cho việc liền vết thương trở nên rất khó khăn. Nhiễm khuẩn da, mô mềm và xương xuất hiện. Những nhiễm khuẩn này có thể lan đến các hạch. Do tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng nên khả năng ngấm kháng sinh vào vị trí nhiễm trùng rất khó khăn. Thông thường, khi tình trạng nhiễm trùng tại chỗ nặng lên, thường bệnh nhân được tư vấn cắt bỏ 1 phần bàn chân, cả bàn chân hoặc kèm 1 phần cẳng chân. Nếu nhiễm trùng lan vào máu, nguy cơ tử vong sẽ tăng cao.

    Bệnh nhân đái tháo đường phải ý thức được đầy đủ các tổn thương có thể mắc phải do biến chứng của bệnh, cách phòng ngừa, cách phát hiện các triệu chứng sớm của tổn thương và cách săn sóc bàn chân khi chưa bị tổn thương cũng như khi bị tổn thương. Bên cạnh đó, bệnh nhân phải ý thức được việc kiểm soát tốt đường huyết đóng vai trò rất quan trọng.

    Bệnh nhân phải nắm được các giai đoạn diễn biến của tổn thương bàn chân do đái tháo đường, cách chăm sóc của từng giai đoạn, khi nào thì có thể điều trị ở nhà, khi nào thì cần có sự can thiệp của nhân viên y tế.

    About the Author Bác sỹ Trần Trung Dung

    Popular posts