Bệnh khớp và thời tiết

    Bệnh khớp

    Thời tiết là một yếu tố ảnh hưởng đến sự xuất hiện và phát triển của các bệnh lý trong đó đặc biệt rõ rệt là các bệnh khớp. Bệnh lý khớp rất đa dạng, bao gồm các bệnh lý khớp viêm như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, gút cũng như các bệnh thoái hóa như thoái khớp và đau sau chấn thương. Các bệnh nhân khớp trong từng nhóm đều cảm thấy có sự ảnh hưởng rõ rệt của thời tiết.

    Bệnh khớp và thời tiết

    Nhiều bệnh nhân đều nghĩ rằng khí hậu thay đổi và những thay đổi thời tiết đều gây đau xương khớp và thậm chí họ có thể dự báo được thời tiết. Từ năm 1879, Everett lần đầu tiên nghiên cứu ảnh hưởng của sự xuất hiện dông bão lên đau xương khớp trên 50 người, ông nhận thấy những người này đau khớp tăng lên trước khi có dông bão và đau khớp liên quan cả đến tốc độ của cơn dông đang đến. Năm 1985, tại một tỉnh ở Canada, Sibley nghiên cứu 70 bệnh nhân trong đó có 35 bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, và 35 bệnh nhân thoái hóa khớp. Có tới 62% bệnh nhân mẫn cảm với thời tiết, khi cho rằng đau khớp tăng lên khi thời tiết thay đổi. Vào năm 1990, một nghiên cứu tại Israel, nơi có khí hậu Địa Trung Hải khô, người ta cũng tiến hành nghiên cứu trên 88 bệnh nhân. Kết quả là phụ nữ nhạy cảm với thời tiết (62%) hơn nam giới (37%), không phụ thuộc vào trọng lượng hay tuổi tác. Mỗi một loại bệnh khớp lại có phổ nhạy cảm với thời tiết riêng biệt của mình. Vào năm 1998, một nghiên cứu cho thấy các cơn gút cấp thường xảy ra vào mùa xuân hơn là vào mùa hè hay mùa đông. Sự thay đổi thời tiết này dường như còn ảnh hưởng lên các bệnh khác như hô hấp, tai mũi họng, dị ứng.

    Ảnh hưởng của yếu tố thời tiết lên bệnh xương khớp như thế nào?

    Trên thực tế, thật khó mà xác định được mối liên quan giữa đau xương khớp và thời tiết. Khí hậu bao gồm rất nhiều thông số như nhiệt độ, độ ẩm, áp lực khí quyển, mưa gió, thậm chí tuyết rơi và băng giá. Chúng thay đổi từ ngày này qua ngày khác và thậm chí thay đổi trong từng ngày. Tuy nhiên người ta cũng có thể phân biệt các vùng khí hậu lớn như khí hậu đại dương, lục địa, bán lục địa, Địa Trung Hải. Do vậy để nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết lên bệnh xương khớp người ta phải đánh giá rất nhiều những thông số chính của thời tiết như độ ẩm, nhiệt độ, nhiệt độ tối thiểu và tối đa trong ngày, nắng, áp suất khí quyển trung bình trong ngày, biên độ thay đổi áp suất trong ngày, mưa, tốc độ của gió, sương mù. Các thông số này rất thay đổi và kết hợp với nhau cũng rất khác nhau thậm chí trong một ngày.

    Năm 1929, Renschler đã tiến hành nghiên cứu 367 bệnh nhân xương khớp nhập viện. Ông nhận thấy rằng 72% bệnh nhân khớp đau tăng lên khi sụt giảm áp suất khí quyển. Nhiệt độ và độ ẩm ở ngoài trời khác ở trong nhà, nhưng áp lực khí quyển thì như nhau cả ở trong nhà và ở ngoài trời. Vào năm 1985, tại Hà Lan nơi có khí hậu đại dương, người ta cũng tiến hành nghiên cứu trên 88 bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy đau xương khớp tăng lên có liên quan đến thay đổi nhiệt độ, áp lực hơi nước, độ ẩm không khí, và ảnh hưởng này rõ rệt vào mùa hè hơn mùa đông. Một nghiên cứu khác tiến hành năm 2002 tại Argentina, cho thấy nhiệt độ thấp, áp lực khí quyển cao và độ ẩm lớn là những yếu tố khí hậu ảnh hưởng lớn đến bệnh viêm khớp dạng thấp cũng như bệnh thoái hóa khớp. Ngay từ năm 1948, một nghiên cứu đã cho thấy lợi ích của môi trường khô và ấm áp đối với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.

    Tại sao sự thay đổi thời tiết lại ảnh hưởng đến bệnh lý xương khớp?

    Sự thay đổi của thời tiết kéo theo sự thay đổi của các yếu tố bên trong cơ thể như độ nhớt của máu, độ nhớt dịch khớp, sự kết tủa của các muối, thay đổi nồng độ các hóa chất trung gian trong cơ thể, thay đổi vận mạch. Chính sự thay đổi nội môi này góp phần làm xuất hiện các đợt đau xương khớp.

    Vai trò của nhiệt độ thấp cũng được đề cập đến trong việc xuất hiện cơn gút cấp. Vào khoảng 2 đến 3 giờ sáng nhiệt độ của ngón chân cái thấp nhất, do đó các muối urat dễ kết tủa nhất. Yếu tố lạnh còn gây nên hội chứng Raynaud, một tình trạng bệnh lý thường hay kết hợp với các bệnh khớp như luput ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì toàn thể. Độ nhớt của dịch khớp tăng lên khi nhiệt độ hạ thấp, giải thích sự cứng khớp trong bệnh thoái hóa khớp. Vai trò của mặt trời gây sạm da và ban đỏ ở da tiếp xúc với ánh sáng trong bệnh luput đã được chứng minh. Do vậy bệnh nhân luput phải bảo vệ, che chắn khỏi các tia tử ngoại của mặt trời.

    Các bệnh khớp hay gặp trong mùa lạnh

    Bệnh thấp khớp cấp hay còn gọi là bệnh thấp tim, hay gặp ở lứa tuổi học đường, xuất hiện sau nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, đặc biệt là viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn bêta nhóm A. Trẻ có biểu hiện ban đầu như viêm họng, sốt cao. Sau vài tuần kể từ khi bị viêm họng, trẻ có thể xuất hiện các viêm khớp cấp do thấp. Viêm khớp có tính chất xảy ra đột ngột, hay gặp ở các khớp to vừa như khớp gối, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay, ít gặp viêm các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân, hoặc viêm một khớp đơn độc. Các khớp bị viêm sưng to, nóng, đỏ, đau, có thể có dịch nhưng không bao giờ bị hóa mủ. Khớp viêm thường không đối xứng, hay di chuyển từ khớp này sang khớp khác. Viêm khớp có thể tự khỏi nhưng thường khỏi nhanh hơn khi dùng thuốc chống viêm. Trong khi biểu hiện ở khớp thường khỏi nhanh, khỏi hoàn toàn không để lại di chứng thì biểu hiện ở tim thường nặng nề và là biểu hiện nguy hiểm nhất của bệnh. Ngoài các triệu chứng ở khớp, ở tim… trẻ còn có thể có các triệu chứng thần kinh như múa giật, liệt, hôn mê; đau bụng, tiểu ra máu…

    Viêm khớp dạng thấp là bệnh chủ yếu gặp ở nữ giới, tuổi trung niên, viêm khớp kéo dài với các đợt sưng đau khớp cấp tính, bệnh nhân thường sưng đau nhiều khớp, sốt, có thể có các biểu hiện ở các cơ quan khác. Nếu không được điều trị, các khớp nhanh chóng bị biến dạng, dính khớp. Các khớp thường gặp nhất là các khớp nhỏ ở bàn tay, khớp cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân, cả hai bên. Ở giai đoạn muộn, thường biểu hiện ở các khớp vai, háng, cột sống cổ. Buổi sáng, khi mới ngủ dậy, người bệnh thấy có cảm giác cứng tại khớp, khó vận động. Dấu hiệu này rõ nhất ở các khớp cổ tay và bàn tay, khiến người bệnh phải làm các động tác như gấp, xoay cổ tay… một hoặc vài tiếng, mới giảm bớt cảm giác cứng khớp. Sau nhiều đợt cấp tính hoặc sưng đau khớp kéo dài (vài tháng hoặc vài năm), các khớp có thể biến dạng: bàn tay bị vẹo, cổ tay sưng, các ngón tay ngón chân cũng bị biến dạng, các cơ teo, khiến cho chức năng vận động của bệnh nhân bị giảm sút, thậm chí ở giai đoạn muộn, bệnh nhân trở thành tàn phế.

    Đau vai gáy, đau thắt lưng, viêm các điểm bám tận của các gân vào đầu xương trong chứng bệnh đau cân cơ (fibromyalgia). Bệnh thường gặp ở những nhân viên văn phòng, đánh máy tính… Do trời lạnh, các cơ thưòng co lại để sinh nhiệt (rét run), tư thế “so vai, rụt cổ” do các cơ vùng gáy co lại để hạn chế tối đa trao đổi nhiệt với môi trường lạnh xung quanh. Các tư thế này phải duy trì trong thời gian dài làm cho các cơ cạnh cột sống bị giữ ở một tư thế lâu, gây mệt và mỏi cơ. Có thể đau một hay hai bên bả vai, hạn chế các động tác của cột sống như cúi, ưỡn, nghiêng… Các triệu chứng hay đi kèm là trạng thái mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ…

    Co thắt các mạch máu đầu chi trong hội chứng Raynaud, đây là một biểu hiện hay gặp trong bệnh xơ cứng bì toàn thể. Khi tiếp xúc với lạnh, đầu ngón tay, ngón chân bị trắng bệch, tê buốt do thiếu máu đầu chi, sau đó chúng trở nên tím ngắt, căng tức.  Xơ cứng bì là một bệnh hệ thống, do bất thường về hệ thống miễn dịch, có biểu hiện ở tất cả các cơ quan trong cơ thể, trong đó thường thấy như da dày lên, mờ hoặc mất các nếp nhăn trên mặt, khó há miệng, lắng đọng canxi ở tổ chức dưới da, giảm tiết dịch các tuyến ngoại tiết như tuyến nước bọt, tuyến nước mắt, dịch tiêu hoá, xơ hoá phổi, tràn dịch màng ngoài tim, màng phổi…

    Thoái hoá khớp là bệnh lý hay gặp ở người cao tuổi, do quá trình lão hoá của sụn khớp, sụn bị mất tính đàn hồi, mỏng dần đi và nhuyễn hoá, làm lộ tổ chức xương dưới sụn, gây đau và hạn chế vận động.  Khi trời lạnh, các gân cơ bị co rút lại, dịch khớp đông quánh hơn làm cho các khớp trở nên cứng hơn, khó cử động hơn. Hơn nữa khi trời lạnh, các thói quen tập luyện hàng ngày cũng bị giảm đi, cũng góp phần làm bệnh nặng thêm.

    Phòng bệnh: Ngoài các biện pháp bảo vệ sức khoẻ chung như dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt điều độ, tuân thủ chế độ thuốc men thường xuyên của mình, các bệnh nhân mắc các bệnh khớp cần lưu ý là khi trời lạnh, nhất là kèm theo mưa phùn thì phải giữ ấm toàn thân, nhất là bàn tay, bàn chân, đội mũ, đeo găng tay, đi tất, quàng khăn ấm, đeo khẩu trang khi ra ngoài đường. Có thể ngâm nước muối ấm bàn tay, bàn chân, sử dụng túi chườm nóng, lò sưởi, điều hoà nhiệt độ (nếu có điều kiện). Một đặc điểm quan trọng trong điều trị các bệnh khớp mạn tính là phải dùng nhiều loại thuốc kết hợp, duy trì lâu dài, hàng năm, có khi suốt đời.

    TS Trần Trung Dũng ( sưu tầm và tổng hợp)

    Nguồn:

    http://bachmai.gov.vn

    http://suckhoedoisong.vn

    About the Author dungbacsy

    Phó giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Trung Dũng Giảng viên đại học Y Hà Nội - Bác sỹ phẫu thuật chuyên khoa Cơ xương khớp Phó giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn Hà Nội (St Paul University Hospital) Email: dungbacsy@dungbacsy.com Website: www.dungbacsy.com

    Popular posts